Zalo

Đập bỏ hoa đêm 30 Tết

06/02/2020

Chọn hoa chưng Tết hay cây cảnh chưng Tết để trang trí ngôi nhà là việc làm không thể thiếu mỗi độ Tết đến – xuân về. Ngoài trang hoàng tô điểm không gian, hoa hay cây cảnh còn mang lại tác dụng phong thủy cho gia đình. Chính vì vậy, việc lựa chọn hoa và cây rất được nhiều người chú ý.

Điều đáng buồn là việc tái diễn cảnh đập bỏ những chậu hoa vào đêm 30 của những người bán lẻ hoa. Nhìn một cách toàn diện, đây là vấn đề xuất phát từ cả phía người bán hoa và người mua hoa. Điện hoa Quang Nam chia sẻ một số góc nhìn để cùng Quý bà con thấu hiểu các cung bậc khác nhau.
 
Hoa chưng Tết đẹp

Bán hoa Tết lời quá dữ

Trước đây, việc nhận được báo giá của hàng hóa không được thuận như hiện nay. Người mua phải tìm ra đầu mối bán giá sỉ bằng cách đến trực tiếp nơi trồng hoa hay hỏi thông tin từ những người đi trước. Giờ đây, mạng xã hội và công cụ tìm kiếm trực tuyến hỗ trợ rất nhiều. Do đó, giá gốc của hoa được nhiều người biết. So sánh với giá hoa bán lẻ ngày Tết, người tiêu dùng có suy nghĩ tại sao mình phải mua với giá cao như vậy? Giá hoa cao gấp đôi, gấp ba lần so với giá gốc. Tại sao người bán hoa lời nhiều như vậy? Đồng tiền chúng ta bỏ ra không xứng đáng với giá trị của hoa. Sự thật thì không đơn giản như những gì chúng ta thấy.

Hoa chưng Tết bán ngập nẻo đường

Những nơi bán hoa Tết được tổ chức bởi chính quyền được gọi là Chợ Hoa Xuân. Thông thường, chợ được tổ chức tại những khu vực đông dân cư, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển và du xuân của nhân dân. Hoa, cây cảnh được người bán tập kết theo sự phân lô đã thuê tại Chợ Hoa Xuân.
Tuy nhiên, nhiều người dân khi có mặt bằng thuận lợi ngoài chợ hoa xuân cũng mua hoa và cây cảnh về bán. Những năm gần đây, đường giao thông nông thôn và đô thị phát triển mạnh. Thêm vào đó, việc vận chuyển hoa và cây cảnh quá thuận lợi nhờ vào phương tiện giao thông hiện đại. Chính những điều này mà hoa và cây cảnh được bán tràn lan khắp nơi. Từ nông thôn đến thành thị, khắp các nẻo đường đều bán.

“Ngày Tết mà”

Nhiều người thường tặc lưỡi với câu “Ngày Tết mà”. Ừ, thì ngày Tết, thứ gì cũng lên giá. Một lô bán cây thuê 5 triệu 7 triệu cho những ngày bán hoa Tết là bình thường. Bao nhiêu chi phí cũng tăng lên nào là điện-nước, là vệ sinh, công cáng của ít nhất 2 người trực bán. Tiền sinh hoạt phí của người bán cây. Tiền vận chuyển cây từ nhà vườn về điểm bán, tiền bốc vác. Mà đâu có đơn giản khi nằm sương, nằm gió ngoài bãi cây mà đảm bảo được mọi thứ an toàn. Vô cùng phức tạp. Hàng chục thứ chi phí “Ngày Tết mà” được tính vào giá thành của cây tại bãi. Chi phí này trở thành gánh nặng cho cả người bán và người mua cây.

Kiểu gì đêm 30 cũng xả hàng

Tâm lý nếu đêm 30 không xả hàng thì người bán không biết làm gì với số hoa và cây còn lại. Vào ngày 30, nhiều người buôn mong muốn với việc sớm về nhà chuẩn bị Tết cho gia đình. Người bán tranh thủ hạ giá để giải quyết hàng tồn và chốt lời hoặc cắt lỗ. Nắm được điểm này, nhiều người chờ đến 30 hoặc đêm 30 để mua cho thật rẻ. Trong nhà có hoa chơi ngày Tết mà rẻ thật là rẻ là vui rồi.
 
Ở đời có câu: Trâu chậm húp nước đục. Cái gì cũng có cái giá của nó. Người nào đến trước, mua trước thì mua cây giá cao. Người chờ đêm 30 thì mua được cây giá rẻ. Thế nhưng, người mua giá cao có quyền lựa chọn cây đẹp. Thời gian chơi cây lâu, từ ngày 20 tháng Chạp đến ngày 10 tháng Giêng. Người chờ cây giá rẻ thì làm gì còn cây đẹp. Mà thời gian chơi cây cũng chỉ từ mồng Một đến mồng Mười tháng Giêng. Rõ ràng, người chơi cây mà đi chọn phần xấu để mang về nhà mình trang trí thì còn gì là ý nghĩa. Tài lộc nào tìm đến với những cái xấu trong khi cái đẹp đang chờ ở gia đình người khác?

Giờ này mà giá còn vậy

Đêm 30 xuân Canh Tý 2020 là một đêm đáng nhớ. Cái đáng nhớ là câu chuyện của một vị khách chờ mua mai vàng trong đêm 30. Vị khách đến bãi cây hỏi giá cây mai vàng khi đang bán xả đồng giá. Khi biết được giá, vị này phát ngay câu nói: Giờ này mà còn giá đó.
 
Ô hay, về chuyện mua bán thì thích anh mua, không thích thì thôi. Đúng giá tôi bán, thua lỗ tôi về chăm cây. Cớ gì phải vậy? Anh đang chờ gì khi anh hỏi câu này? Người chơi thì dăm bảy loại nhưng người chăm cây thì mới quý cây. Chờ đêm 30 để có được cây mai vàng giá thật là rẻ chưng Tết cũng đủ hiểu được là người có quý cây hay không.

Thà mất 30 phút chứ không mất 100 nghìn

Câu chuyện ghi lại việc một gia đình 4 người đi chọn cây để mua. Sau khoảng 30 phút, gia đình chọn được cây ưng ý. Thế nhưng, chênh lệch giá 6,7% (khoảng 100 nghìn) giữa người bán và gia đình nọ mà giao dịch không thành công. Cả gia đình đó phải 3 lần lên xe xuống đường bàn bạc để đưa ra quyết định có mua với giá đó hay không. Tính 30 phút của mỗi người trong gia đình lựa chọn cây và mặc cả thì quá vất vả cho một quyết định quá đơn giản.

Nè, bớt 100 nghe

Có hai cha con nọ đi chọn mai vàng về chưng Tết. Nhìn bộ dạng họ thì rõ ràng là người sống vùng ven đô. Qua quá trình quan sát và bàn bạc, hai cha con rất thích một cây mai. Cây mai này có đặc điểm là đang nở rộ vàng cả cây trong đêm 30. Thật sự, đánh giá cây này không phải là đẹp về tính nghệ thuật. Người bán mai vàng thấy vậy nên khuyên hai cha con chọn cây khác khi phân tích vẻ đẹp và tương lai của cây.
 
Không phải việc gì tốt cũng mang lại kết quả như ý. Người đàn ông vẫn đưa ra quyết định của mình là chọn cây mai với hoa nở vàng rực. Kỳ thực, cây mai này được cái là nhiều hoa lúc này nhưng lại bị thiếu rất nhiều nhánh. Cây được tư vấn mua cũng sẽ có nhiều hoa như vậy vào 2 đến 3 ngày tới.
 
Người đàn ông nhẹ nhàng đến gần người bán cây và nói: Nè, bớt 100 nghe. Trời ơi, câu nói sao mà nghe êm tai vậy. Người bán cây rất vui. Niềm vui không phải vì bán được cây. Nó là việc bán cho người thật sự thích cây. Người bán cây đồng ý với giá đề nghị một cách nhanh chóng. Ngay lúc đó, trong lòng người bán cây vẫn suy nghĩ rằng: Anh đề nghị bớt 200 đến 300 vẫn bán cho anh. Chúc anh và gia đình có một năm mới như ý.
 
Hoa chưng Tết ưng ý

Anh ơi, anh bán cho chú đi anh

Chiều 30 nhận được điện thoại của cô bán Mai giảo Thủ Đức tại quận Cẩm Lệ. Tiếng nói cất lên từ đầu bên kia: Anh ơi, có ông Chú ổng đứng từ trưa tới giờ, ổng trả cây mai mà dưới mức giá vốn 100 nghìn, em thấy ổng tội quá, ổng hết tiền rồi anh ơi, giờ có bán không anh. Ngập ngừng một lúc, chủ lô mai không đồng ý bán. Cô lại nhanh nhẩu: Em thấy ổng hết tiền thật sao đó, thấy ổng tội ghê, đứng từ trưa tới giờ. Anh ơi, anh bán cho chú đi anh.
 
Câu nói: “Anh ơi, anh bán cho chú đi anh” như một ma lực. Nó đánh ngã cả ý chí sắc đá của người buôn cây. Nó bắt người buôn cây phải suy nghĩ về lòng thành của “ông Chú” nào đó. Chắc hẳn, ông Chú này phải là người rất quý cây và thật lòng muốn có được cây mai vàng ấy về chưng ngày Tết. Vậy là dòng suy nghĩ đó đã bật lên thành lời “Ừ, em bán đi”. Chắc chắn một điều rằng năm sau Chú sẽ không tốn thêm tiền mua cây về chơi khi Chú chăm sóc tốt nó. Cây đó sẽ trổ hoa để Chú tiếp tục chơi. Điện hoa Quang Nam tin vào điều đó.

Đập bỏ hoa đêm 30

Giữa người bán hoa và người mua hoa có những cái lý mà giữ nguyên quan điểm của mình. Người mua hoa cho rằng người bán hoa được quá nhiều. Người mua hoa dại gì mất số tiền với giá gấp đôi giá gốc để mua. Thôi thì cứ để đêm 30 mà mua cho rẻ. Gì thì cũng chưng cho qua mấy ngày tết. Ngược lại, người bán hoa thì nghĩ rằng mình đã nằm sương, nằm gió và phơi nắng mà bán cây. Bao nhiêu phức tạp ngoài bãi cây hay ngoài chợ hoa thì tiền lời chẳng thấm vào đâu. Tệ hơn, nhiều năm người bán bị lỗ nặng như năm Canh Tý 2020.
 
Hoa bị đập bỏ đêm 30 Tết
 
Trong thực tế, có hai sắc thái của người mua hoa. Người mua những ngày đầu (từ ngày 20 đến 27 tháng Chạp) sẽ cao tiền hơn những ngày sau. Khi chơi Xuân, nhiều người khách đến nhà thường hỏi hoa chưng tết giá bao nhiêu. Khi đó, xảy ra việc khen rẻ và chê đắt. Chính điều này gây nên tâm lý người mua hoa với giá cao. Từ đó, nhiều người tìm mua hoa chưng ngày tết vào những ngày 29 hay 30 tháng Chạp để được mua hoa rẻ.
 
Tâm lý của người bán hoa vào sát những ngày cuối nhưng tiền thu vào không bù được chi phí đã bỏ ra thì hoang mang. Nhiều người mới vào nghề hoặc người phải vay tiền đi buôn đành chấp nhận đại hạ giá hay phá giá để mong thu hồi vốn. Đặc biệt, vào đêm 30, người buôn phải bán tháo bán đổ. Khi đó, tiền chở hoa lại cao hơn cả tiền mua hoa.
 
Ngược lại, những người buôn bán lâu năm có tinh thần vững hơn. Họ thà chịu lỗ chứ chấp nhận không bán ngang giá vốn. Khi đã chấp nhận lỗ thì việc lỗ thu hồi một ít tiền để bán tháo bán đổ là điều vô nghĩa đối với họ. Từ đó, nhiều người buôn hoa đập phá bỏ các chậu hoa. Nhiều người còn bỏ lại hoa tại bãi nhưng không có bất kỳ ai đến lấy hoa về chưng tết. Có những trường hợp, người bán còn xin cơ quan quản lý đặt hoa tại những nơi công cộng cho đẹp đường phố hay công viên. Những hành động này mang thông điệp gửi đến người mua chưng hoa ngày Tết: Thà chúng tôi lỗ còn hơn để giá trị của hoa bị chà đạp.
 
Mua hoa chưng Tết hợp phong thủy
 
Từ những sắc thái nêu ở trên, Điện hoa Quang Nam rất mong muốn người bán hoa tránh một số hiện tượng sau đây:

Bán cho người quen

Thông thường, người bán gọi điện hay đăng lên mạng xã hội việc bán hoa ngày tết. Người quen biết được sẽ mua ủng hộ. Như phân tích ở trên, vào những ngày đầu, hoa thường được bán giá cao. Nếu người quen hay người thân mà đi so sánh với những người mua sau thì rất dễ hiểu lầm. Tâm lý thì không ai vui vẻ gì khi mua ủng hộ mà bị mua với giá cao. Chắc chắn, người bán không mong muốn những điều nhỏ nhặt này làm rạng nứt mối quan hệ hiện hữu. Tuy nhiên, người mua nên hiểu rằng đồng tiền của họ bỏ ra đúng chỗ và đúng lúc. Họ đã chọn được hoa đẹp, hoa được chưng dài ngày và thể hiện sự ủng hộ đối với người thân.  

Bán đến đêm 30

Bán hoa đến đêm 30 là một sai lầm lớn. Người chơi hoa thực thụ thường chọn mua hoa những ngày đầu khi khai mạc hội hoa xuân. Những người chơi hoa cho có thường chọn mua vào những ngày cuối vì mong muốn mua được hoa rẻ. Thậm chí, có người còn có tâm lý đi mua vào giờ cuối để có hoa chưng tết cho có với thiên hạ. Vậy, cớ gì người bán phải bỏ việc nhà của mình để phục vụ những người chơi hoa kiểu này. Có bỏ thêm thời gian ra bán cũng chả thu hồi vốn được bao nhiêu trong lúc này. Do đó, người bán nên dừng lại ở trưa ngày 30 là hợp lý nhất. Khi đó, công nhân dọn vệ sinh có thời gian dọn dẹp đường phố và sớm trở về nhà để đón giao thừa. Người bán hoa có thêm thời gian chuẩn bị những ngày tết cho gia đình.

Đập bỏ hoa đêm 30

Đập bỏ hoa là một sự lãng phí. Phút chốc, sự phá bỏ này làm hả dạ người bán hoa. Cảm giác này chỉ tồn tại trong giây lát. Tiếc thay, hoa đẹp không được trân quý mà trở thành rác thải. Thay vào đó, hãy nghĩ đến việc tập trung hoa tại nơi công cộng. Những chậu hoa tô đẹp thêm không gian chung. Mùa xuân lại ngập tràn khắp phố phường.
 
Cuối cùng, chọn mua hoa chưng tết phù hợp có thể mang lại vận khí tốt cho gia đình trong năm mới. Người bán hoa hay người chơi hoa nên hiểu rõ giá trị của hoa mang lại. Người bán hãy bán đúng giá trị của hoa. Người mua đừng mong chờ mua hoa giá “thua lỗ” để chưng tại gia đình. Hãy trân quý hoa như trân quý niềm vui của hai bên mang lại cho nhau trong những ngày xuân. Điện hoa Quang Nam mong rằng việc đập bỏ hoa vào đêm 30 sẽ không còn tái diễn nữa.

  • Ngày đăng: 06/02/2020
  • Bình luận: 0

Viết bình luận